Quy định về một số thủ tục đối với doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Ấn Độ
(10-03-2022)Sở Công Thương Cần Thơ kính gửi các doanh nghiệp thông tin hướng dẫn của Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ về một số thủ tục đối với doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Ấn Độ.
Ngày 09/03/2022, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức chương trình hội thảo trực tuyến với chủ đề “Quy định và thủ tục cấp giấy chứng nhận của Cục tiêu chuẩn Ấn độ (BIS) đối với doanh nghiệp nước ngoài”. Đây là chương trình thứ 5 trong chuỗi sự kiện giới thiệu thị trường Ấn Độ do Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức vào thứ 4 hàng tuần nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ hai nước và góp phần nâng cao kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 15 tỷ USD và hướng tới các mục tiêu cao hơn.
Diễn giả trình bày tại buổi trao đổi là Tiến sĩ Sudhanshu Rai, công tác tại bộ phận hoạch định chính sách về chứng nhận sản phẩm của BIS. Cơ quan tiêu chuẩn quốc gia Ấn Độ là cơ quan Chính phủ có chức năng tham mưu, ban hành các tiêu chuẩn đối với hàng hóa tại Ấn Độ đồng thời là cơ quan thực hiện việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn Ấn Độ đối với các cơ sở sản xuất trong và ngoài nước. Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ có trụ sở chính tại New Delhi, 5 văn phòng khu vực, 41 văn phòng chi nhánh và 8 phòng lab nghiên cứu. Theo tiến sĩ Sudhanshu Rai, việc ban hành các tiêu chuẩn chất lượng là nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, sức khỏe con người, động vật và thực vật, bảo vệ môi trường, ngăn ngừa hoạt động kinh doanh không lành mạnh tại Ấn Độ.

Quy định và thủ tục cấp giấy chứng nhận của Cục tiêu chuẩn Ấn độ (BIS) đối với doanh nghiệp nước ngoài:
Chứng nhận chất lượng gồm hai loại là tự nguyện và bắt buộc.
Danh sách các sản phẩm yêu cầu bắt buộc phải có Giấy phép hoặc Chứng nhận BIS bao gồm:
- Thép và các sản phẩm thép (tấm, miếng, cuộn, ống, thép góc);
- Gas Cylinders, ống nối Valve và bộ điều chỉnh;
- Lốp và săm xe hơi;
- Nước uống đóng chai và nước khoáng thiên nhiên;
- Sản phẩm sữa cho trẻ em và Bột sữa; Bình sữa; nhiệt kế;
- Xi măng;
- Lò áp suất;
- Các loại hóa chất khác nhau, ví dụ Caustic Soda, Aniline, Methanol, Acetic Acid, v.v ;
- Thiết bị chẩn đoán y khoa X-Ray;
- Đồ điện (CFLs, Máy nước nóng ngâm, Máy nước nóng dùng trong phòng, Bàn ủi điện, Đồng hồ đo điện, RCCBs, MCBs, đèn GLS, dây cáp PVC, Lò điện, Công tắc), Pin cell khô, Tụ điện, Cáp, Động cơ cảm ứng, Máy biến áp.
Các doanh nghiệp có thể tham khảo thêm thông tin chi tiết tại trang chính thức của Cục tiêu chuẩn Ấn độ (BIS): https://www.bis.gov.in/
Danh sách trên gần đây được mở rộng gồm:
- Máy điều hòa, máy nén;
- Bộ điều nhiệt, Bộ trao đổi nhiệt;
- Kính nổi trong suốt, Kính tấm, Kính an toàn;
- Nồi áp suất nội địa;
- Bếp gas LPG;
- Nhôm và hợp kim nhôm lá trần cho bao bì thực phẩm;
- Máy trộn thực phẩm, Máy xay cầm tay;
- Đồ chơi;
- Máy nước nóng để sử dụng với LPG;
- Các loại cáp;
- Van;
- Bao tải dệt HDPE;
- Thiết bị phản quang;
- Thức ăn hỗn hợp cho gia súc;
- Một số loại giày dép.
Đối với nhà sản xuất nước ngoài xin giấy phép chứng nhận chất lượng của BIS phải chỉ định 1 đại diện là người cư trú tại Ấn Độ để tiến hành thủ tục liên quan. Thủ tục cấp phép chung gồm:
(1) Xem xét đơn của nhà sản xuất, đánh giá các báo cáo thử nghiệm của nhà máy, sự hiện hữu của trang thiết bị thử nghiệm và sản xuất, sự hiện hữu của nhân sự có chuyên môn;
(2) Đánh giá và kiểm chứng: thăm nhà máy; thử nghiệm các mẫu tại nhà máy; lấy mẫu để thử nghiệm độc lập, đánh giá năng lực sản xuất;
(3) Đánh giá thông tin thu thập để chứng minh về chất lượng, thanh toán chi phí và cấp giấy phép. Các đơn vị sản xuất có thể yêu cầu thay đổi phạm vi giấy phép bằng cách lập đề nghị theo biểu mẫu quy định: báo cáo thử nghiệm của phòng lab độc lập, trang thiết bị bổ sung theo yêu cầu, trang thiết bị thử nghiệm bổ sung theo yêu cầu, lưu đồ sản xuất với các biện pháp kiểm soát.
Tính đến thời điểm hiện tại Cục tiêu chuẩn Ấn Độ đã cấp 1105 giấy phép cho các nhà sản xuất nước ngoài, trong đó 968 là giấy chứng nhận bắt buộc, 137 là giấy chứng nhận tự nguyện. Đứng đầu là Trung Quốc với 390 giấy phép, tiếp theo là Nhật Bản 100 giấy phép, Hàn Quốc 91 giấy phép. Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước được BIS cấp giấy chứng nhận chất lượng với con số là 49.
Tại buổi trao đổi, một số doanh nghiệp Việt Nam đưa ra câu hỏi về lý do Ấn Độ đưa ra các tiêu chuẩn trên, tại sao áp dụng với các cơ sở sản xuất mà không phải là nhà xuất khẩu, hay theo thương hiệu; có hay không việc quy định nêu trên tạo ra các rào cản thương mại. Hạn chế đi lại giữa các nước do dịch Covid-19 đã dẫn đến việc khó khăn cho việc nhân viên BIS đến kiểm tra các nhà máy ở Việt Nam. Việc quy định phải chỉ định người đại diện tại Ấn Độ gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài trong việc xin giấy chứng nhận.
Đáp lại câu hỏi trên, đại diện Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ cho biết các tiêu chuẩn đối với các mặt hàng cụ thể là áp dụng chung cho tất cả hàng hóa nội địa và hàng hóa nhập khẩu, việc kiểm tra và cấp phép cho các cơ sở sản xuất là thông lệ chung và cũng áp dụng tại Ấn Độ. Cuối tháng 3/2022, việc đi lại giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ trở lại bình thường nên thuận lợi cho việc nhân viên BIS kiểm tra các cơ sở sản xuất của Việt Nam nếu phía doanh nghiệp Việt Nam nộp đơn đề nghị.
Thương vụ Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm nghiên cứu kỹ các quy định của Ấn Độ liên quan cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn BIS tại địa chỉ: https://www.bis.gov.in/;
Trường hợp gặp khó khăn trong việc xin giấy chứng nhận chất lượng tại Ấn Độ, có thể liên hệ với Thương vụ Việt Nam qua email: in@moit.gov.vn hoặc trade@vietnamembassydelhi.in;
Trân trọng./.
- Ấn Độ giảm thuế suất nhập khẩu dầu thực vật đến tháng 4/2024 (10-03-2022)
- Quy định mới về nhập khẩu gạo và hạt đậu các loại của Algeria (10-03-2022)
- Mục tiêu mới của Thái Lan trong xuất khẩu gạo năm 2023 (10-03-2022)
- TIÊU CHUẨN NHẬP KHẨU CÁC LOẠI HẠT KHÔ VÀ/HOẶC ĐÃ QUA CHẾ BIẾN VÀO NEW ZEALAND (10-03-2022)
- Mời tham dự Webinar về thành lập doanh nghiệp tại Ấn Độ ngày 08/2/2023 (10-03-2022)