TIÊU CHUẨN NHẬP KHẨU CÁC LOẠI HẠT KHÔ VÀ/HOẶC ĐÃ QUA CHẾ BIẾN VÀO NEW ZEALAND

(03-02-2023)
Sở Công Thương Cần Thơ kính gửi quý doanh nghiệp các hướng dẫn từ Thương vụ Việt Nam tại New Zealand đối với tiêu chuẩn các loại hạt khô hoặc đã qua chế biến nhập khẩu vào New Zealand.

Các doanh nghiệp có thể nghiên cứu bản gốc tiêu chuẩn tại địa chỉ: https://www.biosecurity.govt.nz/dmsdocument/1663-stored-plant-products-for-human-consumption-spp-human-ihs-import-health-standard  

Phần 1: Yêu cầu

Phạm vi áp dụng

- IHS này chỉ áp dụng cho việc nhập khẩu các loại hạt khô và/hoặc đã qua chế biến (kể cả đông lạnh) làm thực phẩm cho con người.

Kiểm tra an toàn sinh học

- Ngay khi hàng hóa cập cảng Niu Di-lân, các chứng từ kèm theo lô hàng sẽ được kiểm tra tại cảng đến.

- Cán bộ kiểm dịch cũng có thể kiểm tra lô hàng hoặc mẫu hàng hóa.

- Hàng hóa không tuân thủ yêu cầu trong IHS có thể không được thông quan vào Niu Di-lân và có thể được yêu cầu xử lý thêm, trả lại nước xuất khẩu, tiêu hủy hoặc các biện pháp khác được Giám đốc Kỹ thuật coi là phù hợp.

- Việc vận chuyển hàng hóa cũng có thể bị đình chỉ nếu phát hiện một số loại sinh vật gây hại hoặc hạt giống cỏ thuộc diện phải kiểm soát.

- Nhà nhập khẩu phải chịu mọi chi phí liên quan.

Phần 2: Các yêu cầu trước khi vận chuyển hàng hóa

Giấy tờ cần thiết

- Các loại giấy tờ nên được viết bằng tiếng Anh. Đối với các giấy tờ bằng ngôn ngữ khác, nếu cán bộ kiểm dịch không thể xác định liệu hàng hóa có đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu vào Niu Di-lân hay không, MPI bảo lưu quyền yêu cầu nhà nhập khẩu bổ sung bản dịch do cơ quan có thẩm quyền cấp.

- Giấy phép nhập khẩu: Không bắt buộc, trừ hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Phần 3.8 của IHS này.

- Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật: Nhà nhập khẩu phải trình giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (bản gốc) theo quy định tại Phần 4 và 5 của IHS này do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu (trường hợp này là Cục Bảo vệ thực vật) cấp.

- Giấy tờ khác: ngoài giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, hàng hóa phải kèm theo các giấy tờ khác như vận đơn, hóa đơn hàng không, ngoài các quy định tại Phần 3.2.

- Giấy chứng nhận của nhà sản xuất phải được in trên tiêu đề thư có tên công ty (letterhead), được ký bởi người đại diện có thẩm quyền và có các nội dung như: i) chữ ký, chức danh, ngày ký; ii) tên và địa chỉ nhà cung cấp (nếu khác với nhà sản xuất); iii) mô tả sản phẩm hoặc thương hiệu; iv) thông tin về quy trình chế biến; v) ngày sản xuất.

Kiểm tra lô hàng trước khi vận chuyển

- Đối với hàng hóa bắt buộc phải có giấy chứng nhận SPS, Cục Bảo vệ thực vật phải kiểm tra xem hàng hóa có sinh vật gây hại thuộc diện kiểm soát hay không.

- Nếu có sinh vật gây hại thuộc diện phải kiểm soát, lô hàng phải bị từ chối xuất khẩu sang Niu Di-lân hoặc phải được xử lý loại bỏ sinh vật gây hại trước khi xuất khẩu.

- Cục Bảo vệ thực vật chỉ được cấp giấy chứng nhận SPS sau khi xác nhận biện pháp xử lý sinh vật gây hại có hiệu quả.

Xét nghiệm lô hàng trước khi vận chuyển

- Đối với hàng hóa bắt buộc phải có giấy chứng nhận SPS, Cục Bảo vệ thực vật phải đảm bảo rằng biện pháp xử lý sinh vật gây hại có hiệu quả. Hàng hóa phải được xét nghiệm nhằm phát hiện các loại hạt có khả năng sinh trưởng tại một phòng thí nghiệm được Hiệp hội xét nghiệm hạt giống quốc tế công nhận.

- Nếu phát hiện các loại hạt có khả năng sinh trưởng, lô hàng phải bị từ chối xuất khẩu sang Niu Di-lân hoặc phải được xử lý loại bỏ hạt giống trước khi xuất khẩu.

Các yêu cầu về xử lý hàng hóa trước khi vận chuyển

- Nói chung, việc xét nghiệm để phát hiện sinh vật gây hại đối với các hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của IHS này là không bắt buộc. Trường hợp được yêu cầu, hàng hóa cần có giấy chứng nhận SPS với các khai báo bổ sung phù hợp nếu việc xử lý sinh vật gây hại được thực hiện trước khi xuất khẩu.

Đóng gói và dán nhãn hàng hóa

- Bao bì đóng gói phải sạch sẽ, không dính đất và các chất ô nhiễm khác.

- Nhãn hàng hóa nên bằng tiếng Anh và không bị rách để cán bộ kiểm dịch dễ dàng nhận diện.

Yêu cầu về quá cảnh

- Tất cả hàng hóa phải được đóng gói và vận chuyển phù hợp để đề phòng việc phá hoại và/hoặc bị nhiễm sinh vật gây hại sau khi sản xuất/xử lý.   

- Không được mở bao bì trên đường quá cảnh

- Đối với hàng hóa bắt buộc phải có giấy chứng nhận SPS, trong quá trình quá cảnh và nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Cục Bảo vệ thực vật nước quá cảnh, nếu được lưu kho, chia tách hoặc thay đổi bao bì tại nước quá cảnh trên đường đến Niu Di-lân, hàng hóa phải được cấp thêm “giấy chứng nhận tái xuất khẩu” ngoài giấy chứng nhận SPS ban đầu.

- Không cần giấy chứng nhận tái xuất khẩu trong trường hợp hàng hóa bị giữ lại để thay đổi phương tiện vận chuyển và vẫn nằm trong công-ten-nơ band đầu.

Phần 3: Các yêu cầu khi cập cảng

- Các hàng hóa thuộc diện rủi ro phải được cán bộ kiểm dịch thực hiện thông quan, trả lại nước xuất khẩu hoặc tiêu hủy. Nhà nhập khẩu có trách nhiệm khai báo hàng hóa thuộc diện rủi ro tới cán bộ kiểm dịch.

- Hàng hóa chưa được thông quan phải nằm dưới sự kiểm soát của MPI và không được di chuyển hoặc tác động nếu không được cho phép.

- Các chi phí lấy mẫu, kiểm tra, xử lý, vận chuyển, kiểm dịch, trả lại nước xuất khẩu… do nhà nhập khẩu chịu.

Kiểm tra khi cập cảng

- Đối với hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra theo quy định tại Phần 4 và 5, các lô hàng sẽ được kiểm tra và/hoặc xét nghiệm ngẫu nhiên để đảm bảo lô hàng đảm bảo điều kiện thông quan.

- Hàng hóa không thuộc diện kiểm tra thông thường sẽ không bị kiểm tra nếu đáp ứng các yêu cầu trong phần 1.3.

Kiểm tra

- Cán bộ kiểm dịch sẽ kiểm tra hàng hóa để phát hiện sinh vật gây hại, đất hoặc các chất lẫn dễ thấy khác.

Lấy mẫu

- Nếu hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra, mỗi lô trong cả chuyến hàng đều phải lấy mẫu. Một mẫu tối thiểu là 5kg/chuyến hàng. Nếu cả chuyến hàng ít hơn 5kg thì tất cả hàng hóa đều phải kiểm tra.

Phát hiện sinh vật gây hại và các chất lẫn

- Trường hợp phát hiện sinh vật sống, nhà nhập khẩu có thể được quyền xác định xem sinh vật đó có phải sinh vật gây hại thuộc diện phải kiểm soát không. Nếu có, hàng hóa phải được xử lý, trả lại nước xuất khẩu hoặc tiêu hủy theo yêu cầu của MPI. Hàng hóa có thể được cho thông quan nếu sinh vật gây hại được phát hiện không thuộc diện phải kiểm soát.

Mức độ chấp nhận được đối với các hạt giống lẫn

- Đối với hàng hóa được xử lý nhiệt hoặc chế biến ở các trạm trung chuyển tại Niu Di-lân, các loại hạt lẫn phải được nêu trong giấy chứng nhận phân tích hạt. Hàng hóa thuộc diện này không phải xử lý thêm vì quy trình xử lý hoặc chế biến tại các trạm trung chuyển sẽ làm các loại hạt này mất khả năng sinh trưởng.

- Đối với các hàng hóa cần kiểm tra an toàn sinh học khi cập cảng, dung sai đối với hạt lẫn tối đa là 0,1% trọng lượng. Giống và số lượng hạt lẫn phải được mô tả trong giấy chứng nhận phân tích hạt hoặc được cán bộ kiểm dịch của MPI xác định thông qua kiểm tra mẫu khi cập cảng.

- Các hàng hóa cần kiểm tra an toàn sinh học khi cập cảng không được phép có các hạt lẫn thuộc các giống liệt kê trong danh mục Hạt giống cỏ thuộc diện kiểm soát (Phần 1.5.2) trong IHS: Importation of Grains/Seeds for consumption, feed or processing hoặc thuộc các giống “Cấm nhập khẩu) hoặc liệt kê trong Danh mục An toàn sinh học Thực vật (PBI).

- Khi lô hàng có mức độ hạt lẫn cao hơn dung sai cho phép, MPI sẽ cho nhà nhập khẩu một số lựa chọn như: loại bỏ các hạt lẫn, xử lý để hạt giống không thể sinh trưởng, trả lại nước xuất khẩu hoặc tiêu hủy hàng hóa.

Nếu doanh nghiệp mong muốn kết nối xuất khẩu các loại hạt vào New Zealand, vui lòng gửi email cho Thương vụ Việt Nam tại New Zealand.

 THƯƠNG VỤ VIỆT NAM TẠI NEW ZEALAND:

Điện thoại/Fax: + 64 4 8033 775 

Email: nz@moit.gov.vn

Địa chỉ: Level 2, 90- 92 Dixon Street, Te Aro, Wellington, New Zealand.

Hòm thư: PO Box 11095, Manners Street, Wellington 6142, New Zealand.

 

Cảm ơn doanh nghiệp đã đọc tin./.