Phát triển cao tốc kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với cả nước

(24-06-2020)

Thời gian qua, Trung ương đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cho TP Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển; nhất là các tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ, Cần Thơ đến Cà Mau, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Cần Thơ 2… lần lượt được triển khai đầu tư và chuẩn bị xúc tiến đầu tư xây dựng. Với các dự án này, trong tương lai sẽ góp phần kết nối TP Cần Thơ - đô thị trung tâm vùng ĐBSCL, với các địa phương trong khu vực và cả nước, thúc đẩy kinh tế-xã hội và đô thị thành phố phát triển mạnh mẽ.

Đầu tư khai thác đồng bộ cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đạt tiến độ gần 50%, dự kiến thông tuyến vào cuối năm nay.

Đối với tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, trong đó đoạn TP Hồ Chí Minh- Trung Lương đã được đưa vào khai thác khoảng 10 năm nay, đang góp phần rút ngắn khoảng cách và giảm thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam bộ và cả nước. Dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương giai đoạn I có chiều dài toàn tuyến hơn 61km, xây dựng ở giữa 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp, tổng mức đầu tư hơn 9.884 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ.

Còn đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và đang được nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến thông tuyến vào cuối năm 2020, hoàn thành trong năm 2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cầu Mỹ Thuận 2 được triển khai bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và cũng đã khởi công phần đường dẫn. Đoạn còn lại là Mỹ Thuận - Cần Thơ đang được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xúc tiến đầu tư và dự kiến khởi công xây dựng trong năm nay.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tiếp nối đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương) có chiều dài hơn 51km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, điểm cuối giao với quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (tỉnh Tiền Giang). Tuyến gồm 4 làn xe và giải phân cách giữa, có bố trí làn xe dừng khẩn cấp... Theo Công ty Cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận, đến nay, dự án đã triển khai thi công 27/36 gói thầu xây lắp trên tuyến chính. Phần đường đã hoàn thành công tác cắm bấc thấm chỉnh tuyến từ tháng 2-2020 và đã hoàn thành gia tải, xử lý đất yếu 10/19 gói thầu. Phần cầu đã thi công 161/283 mố trụ, đúc 782/1837 phiến dầm, hoàn thành 41/216 nhịp cầu. Hiện nay, toàn dự án đạt gần 50% khối lượng. Thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 và nguồn nguyên vật liệu (cát, đá) khan hiếm gây ra nhiều khó khăn trong công tác thi công, nhưng Ban Điều hành Dự án cùng các nhà thầu đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp để khắc phục đảm bảo mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020 và hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2021.

Mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Nhật dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ GTVT đã đến kiểm tra tiến độ thi công Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận. Thứ trưởng Nguyễn Nhật đánh giá cao năng lực quản trị, quản lý dự án của Tập đoàn Đèo Cả, của các nhà thầu thi công, tổ chức thực hiện đã đạt 50% tổng khối lượng toàn dự án, đồng thời cho biết sẽ trình lãnh đạo Bộ xem xét giải quyết một số kiến nghị về mặt kỹ thuật của dự án như vị trí trạm thu phí, kết nối với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong tương lai...

Thủ tướng Chính phủ cũng mới vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1, quy mô 4 làn xe (tại Quyết định số 839/QĐ-TTg ngày 16-6-2020). Theo đó, tổng chiều dài tuyến này khoảng 22,97km (thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp); điểm đầu kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 và điểm cuối tại nút giao Chà Và, kết nối với quốc lộ 1 hiện hữu (tỉnh Vĩnh Long). Dự án được đầu tư xây dựng theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư hơn 4.827 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Thời gian thực hiện dự án: dự kiến được khởi công trong năm 2020, cơ bản hoàn thành năm 2022, hoàn thành toàn bộ dự án (giai đoạn 1) trong năm 2023.

Việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ nhằm góp phần giải quyết nhu cầu vận tải khi tuyến quốc lộ 1 đã quá tải; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nam bộ, đảm bảo quốc phòng an ninh của các tỉnh, thành ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung; giảm thiểu tai nạn giao thông trên quốc lộ 1; từng bước hoàn chỉnh mạng đường bộ cao tốc theo quy hoạch.

Nghiên cứu khả thi tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Ông Diệp Bảo Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, cho biết: Bộ GTVT giao cho Tổng Công ty lập báo cáo tiền khả thi, lên phương án sơ bộ và xin ý kiến các địa phương về Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, trong đó có TP Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Hiện nay, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đã có ý kiến về hướng tuyến cao tốc này. Riêng trên địa bàn TP Cần Thơ có chiều dài không lớn và xác định điểm đầu có liên quan cầu Cần Thơ 2.

Vấn đề đặt ra là cầu Cần Thơ 2 do quy mô lớn, có nên tách riêng khỏi tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thành dự án khác để bố trí nguồn vốn triển khai thực hiện thuận lợi hơn. TP Cần Thơ cùng với Tổng Công ty có ý kiến với Bộ, xác định cầu Cần Thơ 2 có thể là dự án thành phần riêng và tuyến cao tốc riêng. TP Cần Thơ cũng cần sớm thống nhất phương án tuyến cao tốc này, sau đó nghiên cứu tiếp và báo cáo Bộ GTVT, đăng ký vốn cho giai đoạn 2021-2025.

Theo đơn vị tư vấn, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau quy mô 4 làn xe, cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ GTVT; địa điểm xây dựng: tỉnh Vĩnh Long, TP Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Tư vấn đã nghiên cứu 3 phương án tuyến, với chiều dài tuyến từ 130,1-135,4km.

Theo đó, phương án 1 là kết nối vùng thuận lợi (tuyến có kết nối thuận lợi vào các trung tâm kinh tế lớn của vùng ở TP Cần Thơ, TP Ngã Bảy, thị xã Ngã Năm, thị trấn Phước Long và TP Cà Mau), kết nối giao thông cũng thuận lợi (đầu tuyến kết nối vào cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc tỉnh Vĩnh Long, qua cầu Cần Thơ 2, đoạn giữa tuyến kết nối vào 2 đường cao tốc trục ngang, cuối tuyến kết nối vào dự án tuyến tránh Cà Mau theo quy hoạch), chiều dài tuyến 135,1km… với tổng mức đầu tư hơn 47.478 tỉ đồng (trong đó, phương án kiến nghị giai đoạn 1 hơn 24.048 tỉ đồng).

Phương án 2, hướng kết nối vùng giống phương án 1, tuy nhiên tuyến không kết nối vào TP Ngã Bảy để tránh đi qua khu vực đông dân cư tại đây và chiều dài tuyến cũng ngắn hơn với 130,1km… với tổng mức đầu tư hơn 46.415 tỉ đồng (phương án kiến nghị giai đoạn 1 hơn 23.627 tỉ đồng) và đây cũng là phương án có mức đầu tư thấp nhất.

Và phương án 3, hướng kết nối vùng vẫn giống phương án 1, tuy nhiên đoạn tuyến 7,4km đi trùng với đường cao tốc trục ngang có lưu lượng xe tăng đột biến (do 2 cao tốc nhập lại), chiều dài tuyến là 135,4km… với tổng mức đầu tư hơn 48.203 tỉ đồng (phương án kiến nghị giai đoạn 1 hơn 24.048 tỉ đồng).

Với cả 3 phương án tuyến trên, đoạn đi qua Cần Thơ đều như nhau, chiều dài 4,6km: từ cầu Cần Thơ 2 qua Khu công nghiệp Hưng Phú, đến đường Võ Nguyên Giáp, nối tiếp đến giáp ranh tỉnh Hậu Giang. Đoạn qua TP Cần Thơ có xây dựng nút giao với đường Võ Nguyên Giáp…

Tại cuộc họp mới đây để nghe báo cáo phương án tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn đi qua TP Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam nhấn mạnh: Các dự án cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, cầu Cần Thơ 2, cao tốc Cần Thơ- Cà Mau… rất quan trọng với TP Cần Thơ, góp phần kết nối thành phố với các tỉnh trong khu vực; đồng thời sẽ làm thay đổi diện mạo đô thị của quận Cái Răng và TP Cần Thơ. Do vậy, Sở GTVT có báo cáo lại Thường trực UBND thành phố về phương án tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, UBND thành phố sẽ báo cáo lại Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ thông qua, vì đây là dự án ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của toàn quận Cái Răng.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Nguồn Báo điện tử Cần Thơ