Nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả của cựu chiến binh

(24-06-2020)
Hội Cựu chiến binh (CCB) thành phố vừa tổ chức hội nghị đầu bờ “Nhân rộng mô hình CCB giúp nhau giảm nghèo, nâng cao mức sống” tại quận Bình Thủy với sự tham dự của 140 cán bộ, hội viên CCB. Tại Hội nghị, đại diện các Hội CCB cơ sở, tổ hợp tác (THT) do CCB làm chủ đã chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng các mô hình kinh tế để nâng cao đời sống hội viên.

Các CCB tham quan mô hình nuôi lươn không bùn ở Ban Chỉ huy Quân sự phường Thới An Đông, quận Bình Thủy.

Nhiều năm qua, Hội CCB phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt định hướng hội viên, cựu quân nhân (CQN) về khởi nghiệp, kinh doanh, hướng tới phục vụ du lịch để làm giàu chính đáng; phát huy khả năng sáng tạo, năng động trong lao động sản xuất. Ðến nay, Hội CCB phường đã phối hợp với Hội Nông dân, Ðoàn phường thành lập nhiều mô hình kinh tế, như: “CCB sản xuất sạch, an toàn” với 30 CCB là thành viên; “CQN liên kết sản xuất và làm du lịch cộng đồng” với 50 thành viên tham gia…

Năm 2017, Hội CCB phường thành lập THT trồng mận An Phước gồm 65 thành viên là CCB và CQN. THT thường xuyên tổ chức hướng dẫn hội viên về phương pháp và cách thức trồng mận An Phước, như: lên mô, rải vôi bột xử lý đất; thực hiện các biện pháp chăm sóc cây mận con, tưới nước, bón phân, phun thuốc trừ sâu bệnh theo đúng quy trình. Qua đó, giảm được nhiều chi phí, góp phần phát triển sản phẩm sạch cho mục tiêu du lịch sinh thái vườn tại địa phương. Hội CCB phường còn hỗ trợ 65 thành viên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, với số tiền từ 40 triệu - 50 triệu đồng/hộ để phát triển kinh tế. Ðến nay, các thành viên của THT đều có thu nhập mỗi tháng từ 5-8 triệu đồng/1.000m2 đất. “Thời gian tới, Hội CCB phường tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân phường và cán bộ khuyến nông mở các lớp tập huấn, hội thảo hướng dẫn hội viên CCB và tất cả nông dân trên địa bàn về chuyên môn kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, để mô hình trồng mận An Phước ngày càng được nhân rộng. Ðồng thời, Hội tăng cường hỗ trợ các hội viên CCB, CQN vay vốn làm kinh tế tại gia đình” - ông Cao Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội CCB phường Tân Lộc, cho biết.

THT nuôi lươn không bùn của Hội CCB phường Thới An Ðông, quận Bình Thủy, được thành lập năm 2018, gồm 12 thành viên, tổng diện tích nuôi lươn khoảng 200m2. Khi mới thành lập, các thành viên trong THT chưa có kinh nghiệm nuôi lươn nên lươn chậm lớn, hay mắc bệnh... Các thành viên nuôi 1.000 con lươn giống mà chỉ thu được 80kg thịt. Sau 2 năm, nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật của đơn vị cung cấp con giống và sự trao đổi kinh nghiệm giữa các thành viên THT, việc nuôi lươn ngày càng hiệu quả. Hiện nay, các thành viên thu 100kg lươn thịt/1.000 con giống, lợi nhuận từ 8-10 triệu đồng. Bên cạnh đó, các thành viên đã mở rộng diện tích nuôi lươn lên 500m2, số lượng 25.000 con lươn.

Theo ông Huỳnh Thanh Phương, Chủ tịch Hội CCB thành phố, toàn Hội có 39 doanh nghiệp, 8 hợp tác xã, 71 THT, 7 trang trại, 149 gia trại, hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần giải quyết tốt lao động tại địa phương và tăng thu nhập cho hội viên CCB. Các cấp Hội CCB thành phố đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên CCB, CQN phát triển kinh tế gia đình, như: phối hợp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, làm vườn; hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, xây dựng nguồn vốn nội bộ CCB để giúp hội viên vay với lãi suất thấp hoặc không lãi… Trong 6 tháng đầu năm, các cấp Hội CCB đã huy động vốn nội bộ hơn 5,2 tỉ đồng, giúp 483 hội viên vay. Bên cạnh đó, Hội CCB thành phố thường xuyên tổ chức nhiều hội nghị đầu bờ để nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả do CCB làm chủ để hội viên CCB, CQN các quận, huyện học tập, áp dụng.

Hội CCB thành phố sẽ tiếp tục khảo sát nguồn lực của các cấp Hội CCB trong việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ hội viên CCB, CQN cây, con giống và bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm. Bên cạnh đó, Hội CCB củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình kinh tế do CCB làm chủ.

Bài, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Báo điện tử Cần Thơ