Đề án cải cách kiểm tra hàng hóa nhập khẩu: Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp
(19-10-2020)
Hoạt động kiểm tra chuyên ngành ngày càng minh bạch hơn
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với sự quyết tâm của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, cơ quan đã giúp cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, vẫn còn 1.501 danh mục dòng hàng chồng chéo và đang được các bộ, cơ quan đang tiếp tục chỉ đạo cải cách. Các thủ tục, điều kiện kinh doanh hiện nay được đánh giá vẫn là gánh nặng cho doanh nghiệp, là một trong yếu tố chiếm tỷ trọng khá lớn cấu thành thời gian thông quan hàng hóa. Từ đó, dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong trao đổi thương mại qua biên giới.
Theo báo cáo môi trường kinh doanh năm 2020 do Ngân hàng Thế giới công bố tháng 10/2019, Chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam giảm 4 bậc (từ vị trí 100 xuống vị trí 104/190 nước); chỉ số chung về môi trường kinh doanh giảm 1 bậc (từ vị trí 69 lên đến vị trí 70/190 nước), vẫn đứng thứ 5 trong 10 nước ASEAN.
Trước thực trạng đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì xây dựng đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...), Bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.
Mục tiêu của Đề án là cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu. Đề án đã được Bộ Tài chính xây dựng, lấy ý kiến các bộ, ngành và trình Chính phủ cho ý kiến.
Theo số liệu ước tính, nếu đề án được triển khai, tỷ lệ số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm cắt giảm được theo mô hình mới so với mô hình hiện tại là khoảng 54,4% (chưa tính đến việc giảm số lô hàng kiểm tra do đề án đề xuất tăng đối tượng được miễn kiểm tra). Tổng số ngày kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm doanh nghiệp tiết kiệm được khi áp dụng mô hình mới so với mô hình hiện tại trong một năm là trên 2,4 triệu ngày. Chi phí tiết kiệm được cho doanh nghiệp trong một năm nhờ số ngày cắt giảm hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD).
Việc thực hiện đề án sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành tháng 5/2020 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. |
- Ấn Độ giảm thuế suất nhập khẩu dầu thực vật đến tháng 4/2024 (19-10-2020)
- Quy định mới về nhập khẩu gạo và hạt đậu các loại của Algeria (19-10-2020)
- Mục tiêu mới của Thái Lan trong xuất khẩu gạo năm 2023 (19-10-2020)
- TIÊU CHUẨN NHẬP KHẨU CÁC LOẠI HẠT KHÔ VÀ/HOẶC ĐÃ QUA CHẾ BIẾN VÀO NEW ZEALAND (19-10-2020)
- Mời tham dự Webinar về thành lập doanh nghiệp tại Ấn Độ ngày 08/2/2023 (19-10-2020)